Quý khách vui lòng đặt hàng thông qua Fanpage của Ecovivi để nhận hỗ trợ nhanh nhất!

Sản phẩm OCOP là gì? Tìm hiểu về chương trình Hot cho những nông dân khởi nghiệp

10 min

Sản phẩm OCOP

Ecovivi khám phá

Sản phẩm OCOP là gì

Được chính phủ triển khai từ năm 2018, chương trình OCOP là mục tiêu quốc gia trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong bài viết này Ecovivi sẽ giúp bạn tìm hiểu chương trình OCOP là gì, những tác động mà OCOP mang lại cho vùng nông thôn.

Chương trình OCOP là gì?

OCOP là viết tắt của “One Commune One Product” (Mỗi Xã Một Sản Phẩm) là một chương trình được chính thức triển khai ở trên toàn quốc từ năm 2018, nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm đặc trưng, địa phương của từng vùng, xã, làng.

Sứ mệnh của chương trình OCOP

Ảnh: www.congly.vn

Mục tiêu của chương trình này là tập trung vào việc phát triển, nâng cao giá trị cũng như chất lượng của một sản phẩm cụ thể từ mỗi vùng, thông qua việc tận dụng các nguồn lực địa phương, truyền thống, kỹ thuật sản xuất cổ truyền và cải thiện quy trình sản xuất.

Đặc điểm của sản phẩm OCOP

Các sản phẩm OCOP thường có những đặc điểm độc đáo, đặc trưng của vùng miền, thể hiện bản sắc văn hóa, truyền thống và chất lượng đặc biệt, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng địa phương. Chương trình này có thể giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và đồng thời thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Tiêu chuẩn đánh giá là cơ sở để xếp hạng và định hình chất lượng của các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, gồm 3 tiêu chí chính và hệ thống điểm tổng cộng là 100.

Lịch sử của chương trình OCOP

Ảnh: JICA – Japan International Cooperation Agency (Facebook)

Chương trình OCOP không phải chỉ ở Việt Nam mới có. Trên thực tế, nó đã được Nhật Bản thực hiện rất lâu, chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình từ những năm 70 của thế kỷ trước với tên gọi là “mỗi làng một sản phẩm (One Village One Product – OVOP)“.

Dự án được đánh giá là rất thành công và lan toả đến hơn 40 quốc gia trên thế giới, góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở các vùng nông thôn.

Lợi ích của chương trình OCOP mang lại

Ảnh: www.danviet.mediacdn.vn

Tăng cường thu nhập cho người dân địa phương: Bằng cách thúc đẩy sản xuất các sản phẩm đặc trưng của vùng, OCOP giúp người dân tạo ra nguồn thu nhập ổn định từ việc bán sản phẩm của mình.

Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng cao: Chương trình OCOP cung cấp một cơ hội tuyệt vời cho người tiêu dùng để trải nghiệm và tiếp cận các đặc sản, sản vật từ các vùng miền với chất lượng tốt nhất.

Xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho vùng đất: Các sản phẩm OCOP không chỉ là hàng hóa, mà còn là cốt lõi của một câu chuyện, hình ảnh thú vị về vùng đất đó, từ đó tạo nên một thương hiệu mạnh mẽ và giới thiệu văn hóa đặc trưng của nơi đó ra thế giới.

Thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương: Các sản phẩm OCOP thường liên quan chặt chẽ đến bản sắc địa phương, từ đó thu hút du khách đến với vùng đất mới, tăng cường nguồn lực kinh tế và việc làm cho cộng đồng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất: Qua việc tham gia chương trình OCOP, các nhà sản xuất cần cải thiện chất lượng sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển quy trình sản xuất hiệu quả hơn.

Phân loại nhóm sản phẩm OCOP

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm OCOP được chia làm 6 nhóm sản phẩm:

1. Nhóm thực phẩmNông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác.
2. Nhóm đồ uốngĐồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
3. Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệuSản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.
4. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệCác sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren… làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng.
5. Nhóm sinh vật cảnhHoa, cây cảnh, động vật cảnh.
6. Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịchCác sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu…

Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP

Bạn có biết, Bạn có biết bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021 – 2025 đã điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần thành: 40 – 25 – 35 (so với giai đoạn 2018 – 2020 là: 35 – 25 -40).

Theo quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 24-2-2023,  Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021-2025:

1. Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm)– Tổ chức sản xuất;
– Phát triển sản phẩm;
– Sức mạnh cộng đồng.
2. Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm)– Tiếp thị;
– Câu chuyện về sản phẩm.
3. Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm)– Chi tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm;
– Tiêu chuẩn sản phẩm;
– Khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Xếp hạng sản phẩm OCOP & ý nghĩa của từng hạng

Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 2 sao

Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, cần phải tiếp tục nâng cấp để có thể lên hạng 3 sao.

Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 4 sao.

Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu chất lượng và thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao.

Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu.

Bạn có biết, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Phân cấp đánh giá công nhận sản phẩm OCOP

Việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP được phân cấp cho các cấp quản lý khác nhau: UBND cấp huyện sẽ đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh sẽ đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; còn Trung ương sẽ đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao, tương đương với OCOP cấp quốc gia.

Ecovivi hy vọng bài viết giúp bạn có được những thông tin hữu ích về chương trình OCOP. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sau.